BÀI HỌC 2021 - HẠN CHẾ KÍCH ỨNG

Xin chào mọi người, đã khá lâu rồi mình không lên bài vì sự khủng hoảng hậu kích ứng mỹ phẩm :'D Trộm vía sau bao năm thử 7749 thứ khác nhau cùng lắm là không có tác dụng thì thời gian vừa rồi lần đầu tiên mình cảm nhận sự sần sùi thấy rõ của da khi thử kem chống nắng mới không phù hợp, sau đó là liên tục bị rát đỏ vì sử dụng retinol không đúng cách.

Trải qua vài tháng vật vã da khi thì sần sùi, khi thì rát, khi thì đỏ (kéo theo đó là một tháng hơn sinh hoạt không điều độ vì ôn thi làm da mệt mỏi thiếu sức sống) mình chợt nhận ra hạnh phúc không đâu xa vời, không cầu mong da bóng mịn bling bling Hàn Quốc, chỉ mong một làn da mạnh khỏe không rát đỏ đã là mãn nguyện.

Cũng chính vì lý do đó, bài học lớn nhất trong skincare của năm 2021 đối với mình chỉ đơn giản là hạn chế kích ứng, hạn chế kích ứng và hạn chế kích ứng (điều quan trọng nói 3 lần). Đây là câu chuyện không mới, nhưng với mình lại vô cùng "chí mạng" vì thực sự cho đến tận bây giờ mình mới thấm thía sự vất vả của một làn da cáu bẳn. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ tổng hợp lại những tips mình gom góp được để cứu vớt làn da khi gặp phải tình trạng kích ứng trong thời gian vừa qua, cùng như những lưu ý để hạn chế kích ứng trong skincare. Đây là những mẹo rất "cũ" nhưng tin mình là "old but gold" nhé!

Trước tiên, nói sơ về tình trạng da, mình là da hỗn hợp thiên dầu dễ mụn, trước khi bị kích ứng thì da mình đang khá ổn định (ít mụn, khá bóng khỏe), nhưng từ khi đổi tretinoin 0.025 sang retinol 1.0 và đổi kem chống nắng vật lý sang hóa học thì da trở nên tệ đi nhiều. Loại KCN mới khiến da mình bị bí, sần sùi khắp mặt. Sau đó thì thi thoảng vài hôm mình lại bị đỏ rát một đợt vì retinol. Cho đến hiện tại, da mình đã hết đỏ rát, khá đều màu, hai bên má gần như không có mụn, tuy nhiên vẫn còn mụn ẩn li ti trên trán là tàn dư của KCN.

Mẹo hạn chế kích ứng (vui lòng click vào hình ảnh)

Mình sẽ chia sẻ 06 tips hạn chế kích ứng như sau:

🌸 Thứ nhất, tạm ngưng hầu hết toàn bộ mỹ phẩm khi bị kích ứng.

Kích ứng mình nói ở đây có thể hiểu đơn giản là đột nhiên bạn cảm thấy da mình... không ổn. Nó có thể sần sùi khô ráp, có thể đỏ ửng, ngứa, rát, hoặc có thể nổi mụn một cách mất kiểm soát ở những vùng da vốn không có mụn. Trong tình huống này, điều cơ bản và đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm có lẽ là tạm ngưng hầu hết toàn bộ mĩ phẩm. Tại sao lại chỉ là hầu hết? Vì một làn da kích ứng sẽ không cần bôi thoa quá nhiều mỹ phẩm đâu, chúng ta hãy tạm ngừng một thời gian đặc biệt là đối với các loại treatment mạnh bạo nhưng cùng với đó vẫn nên giữ lại những bước tối giản nhất vì đây vẫn là những bước cần thiết cho da như rửa mặt, dưỡng ẩm, chống nắng (nếu không đi ra ngoài đường, chỉ ở trong nhà và không tiếp xúc ánh sáng trực tiếp thì cũng có thể tạm ngưng vài ngày)

🌸 Thứ hai, luôn có ít nhất một món mỹ phẩm dưỡng "đơn thuần".

Những năm gần đây, treatment mạnh bạo gần như trở thành một xu hướng và vô tình khiến da càng dễ trở nên tệ hơn nếu như treatment nhưng không đủ vững về kiến thức skincare. Một trong những điều tối quan trọng khi bước chân vào con đường treatment đó là biết cách làm dịu, dưỡng ẩm, phục hồi cho da và chúng ta sẽ bắt đầu con đường phục hồi da đơn giản nhất với ít nhất một sản phẩm dưỡng "đơn thuần" trong bộ sưu tập skincare. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn serum hoặc kem dưỡng tùy thuộc vào loại da, kết cấu mong muốn. "Đơn thuần" tức đây sẽ là những sản phẩm thực sự cơ bản về chức năng và đơn giản về thành phần, không cầu kì hoa lá và không tham lam quá nhiều chức năng, chỉ tập trung vào dưỡng ẩm, phục hồi, làm dịu da với một số chất có thể kể đến như: HA, peptide, rau má, ngải cứu, ceramide, B5 (panthenol), B6,... Một sản phẩm dưỡng "đơn thuần" không chỉ chữa cháy kịp thời trong lúc kích ứng mà còn là một sản phẩm đa năng, dễ dùng trong mọi hoàn cảnh, thời tiết, nói chung là must have item!

🌸 Thứ ba, đảm bảo bản thân đã có một rountine dưỡng cơ bản trước khi có ý định "lên level".

Cũng tương tự như ý trên với câu chuyện treatment, mình nghĩ chúng ta không nên mạo hiểm bước vào bộ môn này khi "nền" chưa đủ vững. Đừng vội nghĩ đến BHA nền cồn, tretinoin, vitamin C,... khi bạn chưa hình thành nên thói quen skincare với một routine cơ bản làm sạch - dưỡng ẩm - chống nắng. Một routine cơ bản ổn định sẽ đồng nghĩa với một làn da ổn định để chúng ta "lên level" cho những treatment mới. Bên cạnh đó, thói quen dưỡng da cơ bản sẽ giúp chúng ta có kỹ năng "đọc vị" vấn đề da của mình, hiểu được thế nào là ẩm hay khô, là da ổn định hay bất ổn, sẽ vô cùng tai hại nếu nhắm mắt treatment mà không đọc được phản ứng của da để có thể linh động thay đổi routine trong quá trình skincare với nhiều treatment mạnh bạo.

🌸 Thứ tư, không thử nhiều sản phẩm mới cùng một lúc và patch test mỹ phẩm.

Patch test mỹ phẩm tức là thử sản phẩm ở một vùng nhỏ của da như cổ tay, dưới cằm,... trong khoảng thời gian dài (~24h) để theo dõi trước phản ứng của da, nếu dị ứng thì có thể ngưng kịp thời mà không bị ảnh hưởng trên diện rộng.

Bên cạnh patch test, một lưu ý khác đó là không nên thử nhiều sản phẩm mới cùng một lần vì sẽ rất khó để theo dõi đáp ứng của từng sản phẩm trên da, cùng như phản ứng của da khi kết hợp các sản phẩm mới vào routine. Nếu chúng ta thử nhiều sản phẩm một lần mà không may bị kích ứng sẽ rất khó xác định nguyên nhân cụ thể là do sản phẩm nào.

🌸 Thứ năm, không thử mỹ phẩm mới gần những dịp quan trọng.

Trước những dịp quan trọng như lễ, Tết, cưới hỏi, đám tiệc,... và cần một làn da chuẩn chỉnh hay ít nhất là không tệ hơn hiện có thì "giữ nguyên hiện trường" là một điều vô cùng đơn giản mà quan trọng, bởi nếu thử sản phẩm mới mà không may kích ứng thì sẽ không kịp chữa cháy đâu! Do đó trước những dịp quan trọng, hãy giữ nguyên routine hiện có, không thêm mới, không tăng nồng độ, mọi chuyện để sau mọi người nhé.

🌸 Cuối cùng, "Skin fasting" - cho da "ăn kiêng".

Tương tự như phương pháp nhịn ăn gián đoạn trong ăn uống, "Skin fasting" thời gian gần đây cũng trở thành một xu hướng bằng cách tạm ngưng tất cả mỹ phẩm trong một khoảng thời gian ngắn (1-2 ngày/tuần) để da nghỉ ngơi, tự hồi phục và tránh việc "bội thực" mỹ phẩm. Đây là một xu hướng không mới nhưng trở nên phổ biến một thời gian ngắn trở lại đây thông qua chiến dịch marketing của các nhãn hàng, mọi người có thể search thêm trên mạng để tìm hiểu nhé. Về cơ bản, hiệu quả của phương pháp này chưa được chứng minh và đảm bảo, tuy nhiên cá nhân mình cảm thấy nó phù hợp với da mình. Vào những khoảng thời gian da quá sần sùi bí bách, hoặc da rát đỏ bôi gì cũng khó chịu thì mình thử để da trần cả ngày, tuy cuối ngày da sẽ đổ dầu tuy nhiên tình trạng rát đỏ căng tức của da có được cải thiện đáng kể.

Trên đây là 6 tips mình gom góp được trong hơn 2 tháng liên tục trải qua những đợt đỏ rát vì retinol và kích ứng kem chống nắng. Trong quá trình skincare, cùng với sự thay đổi của tuổi tác, môi trường và nhu cầu chăm sóc da thì việc thay đổi routine hay không may gặp phải tình trạng kích ứng là một điều không thế tránh khỏi. Nhưng mình mong mọi người đừng nản, hãy cứ bình tĩnh thu thập thông tin, lắng nghe da để xử lý vấn đề nhé, nhất định rồi da chúng ta sẽ đẹp thôi!

Mong rằng những chia sẻ của mình có ích cho bạn.

Chúc chúng ta luôn xinh,
Thu Hà.
_________________________

Disclaimer: Những chia sẻ của mình đơn thuần xuất phát từ trải nghiệm của một người yêu mỹ phẩm với những kiến thức do mình mình tự tổng hợp và diễn đạt lại với hi vọng truyền đạt đến người đọc một cách gần gũi, dễ hiểu hơn. Mình hi vọng bạn đọc sẽ tiếp nhận dưới góc độ tham khảo và áp dụng theo cách riêng phù hợp với bản thân. Bạn vui lòng inbox hoặc comment nếu có góp ý về nội dung bài viết, mình sẽ tiếp nhận và sửa đổi cho phù hợp nhé. Mình cảm ơn nhiều.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[REVIEW] Kem chống nắng Pestlo Saferecipe Sun Essence

[REVIEW] TRẢI NGHIỆM SỬ DỤNG DIFFERIN (ADAPALENE)

SẮM VÁY HOA ĐI ĂN CƯỚI THU HÀ